Kem chống nắng 100% Chính Hãng Tại HazuShop

Hiển thị tất cả 9 kết quả

Chi tiết từ A đến Z những điều cần biết về kem chống nắng

Chúng ta luôn được khuyên rằng nhất định phải sử dụng kem chống nắng hay 1 lần bảo vệ đúng cách bằng 8 lần điều trị. Vậy kem chống nắng là gì? Công dụng và cách dùng ra sao? Liệu rằng bạn đã hiểu hết thông tin về kem chống nắng? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết từ A đến Z những điều bạn cần biết về kem chống nắng. Cùng tìm hiểu hiểu nhé!

Kem chống nắng là gì?

Kem chống nắng là sản phẩm chứa các thành phần có tác dụng hấp thụ hoặc phản xạ lại một phần tia UVA và UVB gây hại cho da từ ánh mặt trời. Chúng giúp bảo vệ làn da không bị sạm đen và cháy nắng. Về lâu dài dùng kem chống nắng còn giúp hạn chế các dấu hiệu lão hóa sớm như da xỉn màu, nám, nhăn nheo, chảy xệ và nhất là giải thiểu nguy cơ mắc ung thư da.

Các chỉ số trong kem chống nắng thể hiện điều gì?

Khi mua kem chống nắng bạn sẽ thấy 3 thông tin phổ biến được thể hiện ở vỏ sản phẩm là SPF, UVA – PF. Vậy các chỉ số này thể hiện thông tin gì? Tìm hiểu thêm dưới đây nhé!

Chỉ số SPF (Sun Protect Factor)

SPF được đạt ra vào năm 1974 là đơn vị được dùng để đo khả năng chống lại tia UVB gây cháy da. Đây là chỉ số thông dụng nhất trên toàn cầu và được dùng trên tất cả các loại kem chống nắng. Mỗi loại kem chống nắng sẽ có một chỉ số SPF khác nhau từ 15 cho đến 100.

Theo tính toán, kem chống nắng có chỉ số SPF 15 có thể cản 93,33% tia UVB trong khi SPF 50 cản được 98% và 100 là 99%. Như vậy dù chỉ số SPF cao đến đâu bạn cũng không thể ngăn cản được toàn bộ tia UVB. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa chỉ số SPF cao và SPF thấp là không quá lớn.

Ngoài ra, chỉ số SPF còn thể hiện thời gian bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời. SPF càng cao thời gian bạn phải bôi lại kem chống nắng càng lâu hơn. Với thời tiết ở Việt Nam thì kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 đến 50 được sử dụng phổ biến.

Chỉ số UVA – PF (UVA Protect Factor)

Như tên gọi của mình UVA – PF là chỉ số được dùng để đo khả năng chống lại tia UVA của kem chống nắng. Cách đo UVA – PF cũng tương tự như SPF, tức là  UVA – PF 15 có thể cản được 93,33% tia UVA.

Hiện nay có 3 hệ đo lường hay được dùng là PA, Broad Spectrum và Boostar Rating System. Trong đó, PA là chỉ số được dùng phổ biến ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Chỉ số có 4 cấp độ, PA+ tương đương với UVA – PF từ 2 đến 4, PA++ bằng từ 4 đến 8, PA+++ là từ 8 đến 16 và PA++++ là trên 16. Broad Spectrum được dùng nhiều ở Mỹ còn Boostar Rating System ở Anh. Tuy nhiên tại Việt Nam, đa số kem chống nắng dùng 2 chỉ số này sẽ quy đổi sang PA hoặc không thể hiện  rõ thông tin trên nhãn chai.

Kem chống nắng có những loại nào?

Hiện nay, trên thị trường có 3 loại kem chống nắng là vật lí, hóa học và hỗn hợp. Cụ thể:

Kem chống nắng vật lý

Kem chống nắng vật lý thường có thành phần là các oxit kem loại như: Titan oxit, Kẽm oxit hoặc Sắt oxit. Chúng có tác dụng giống như 1 tấm kính phản xạ lại ánh sáng mặt trời, ngăn chúng làm tổn thương da.

Ưu điểm của kem chống nắng vật lý là chỉ cần chờ 5 phút hoặc ra ngoài ngay sau khi bôi kem chống nắng. Chúng có thể duy trì hiệu quả trong thời gian dài nên ít phải bôi lại kem chống nắng. Đặc biệt các thành phần vật lý hầu như không thế hấp thụ vào da và khá lành tính.

Tuy nhiên kem chống nắng vật lý lại có nhược điểm là có màu. Vì vậy khi thoa kem có thể làm da trắng bệch hoặc để lại vân kem. Một số sản phẩm có độ bám cao sẽ làm bí da và nổi mụn nếu không tẩy trang kỹ vào cuối ngày.

Kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng hóa học có các thành phần phổ biến là Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone… Chúng tạo thành 1 màng lọc hấp thụ và giải phóng tia UVB và UVA trước khi chúng gây hại cho da.

Kem chống nắng hóa học thường có kết cấu mỏng nhẹ nên thẩm thấu nhanh và không gây bết rít. Chúng không có màu nên tệp vào da, nhìn tự nhiên hơn kem chống nắng vật lý. Bên cạnh đó, đa số các kem chống nắng hóa học không bám lâu trên da nên có thể bỏ qua bước tẩy trang.

Tuy nhiên kem chống nắng hóa học thường bóng nên không phù hợp với da dầu, phải dùng thêm phấn phủ. Người dùng thường cần phải chờ 20 phút mới có thể ra ngoài và bôi lại kem sau 2 – 3 giờ. Chưa kể, thành phần trong kem chống nắng hóa học có thể gây cay mắt hoặc nóng rát mặt khi dùng.

Kem chống nắng hỗn hợp

Đúng như tên gọi, sản phẩm này chứa cả các thành phần chống nắng vật lý và hóa học. Vì vậy chúng có thể có ưu điểm của cả 2 dòng sản phẩm này như nâng tone vừa phải, không quá bóng, kết cấu mỏng nhẹ…

Công dụng của kem chống nắng

Không phải tự nhiên mà các bác sĩ da liễu luôn khuyến cáo người tiêu dùng cần phải sử dụng đủ lượng kem chống nắng mỗi ngày ngay cả khi trời không nắng. Sản phẩm này có nhiều công dụng tuyệt vời như:

Giảm nguy cơ cháy nắng và ung thư da

Khi cháy nắng, làn da bị sưng đỏ, nổi mẩn, ngứa ngáy và bong tróc. Nếu bạn dùng kem chống nắng đúng cách và đủ lượng có thể hạn chế tối đa việc da bị cháy nắng. Bên cạnh đó, theo thời gian dài tia UV trong ánh nắng có thể gây tổn thương DNA của da. Theo một nghiên cứu được công bố trên NCBI vào tháng 8 năm 2008, các đợt cháy nắng tái diễn có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư da. Vì vậy, bôi kem chống nắng là biện pháp tốt bảo vệ da khỏi nguy cơ bị ung thư da.

Hạn chế nám, sạm da

Tia UV có thể kích thích các tế bào hắc tố khiến da bị rối loạn sắc tố gây ra tình trạng nám, tàn nhang. Bên cạnh đó, việc không chống nắng đầy đủ còn làm da bị sạm đen hơn. Vì vậy nếu bạn muốn làn da trắng sáng thì ngoài việc dưỡng sử dụng kem chống nắng là điều tất yếu.

Ngăn ngừa lão hóa sớm

Verywellhealth đã đăng tải 1 nghiên cứu khoa học thực hiện trên những người trên 55 tuổi cho thấy nếu sử dụng kem chống nắng thường xuyên có thể giảm tới 24% nguy cơ lão hóa so với không sử dụng hoặc dùng không thường xuyên.

Tối giản việc trang điểm 

Với những làn da ít khuyết điểm thì những sản phẩm kem chống nắng vật lý có thể thay thế bước kem lót hoặc kem nền. Bạn sẽ có 1 làn da trắng hồng và đều màu hơn sau khi thao kem chống nắng. Điều này giúp người dùng có thể tối giản quy trình trang điểm, tốn ít thời gian hơn.

Cách chọn kem chống nắng phù hợp

Để chọn được kem chống nắng phù hợp người dùng cần cân nhắc nhiều yếu tố. Cụ thể:

Chọn kem chống nắng theo quy trình dưỡng da

Nếu quy trình chăm sóc da của bạn không chứa treatment nặng như AHA, BHA, Retinoid,… mà chỉ dưỡng ẩm thì việc chọn kem chống nắng khá đơn giản. Bạn chỉ cần cân nhắc các kem chống nắng có chỉ số SPF 30 (tùy theo nhu cầu) và PA 3+ trở lên. Người dùng có thể chú trọng finish hơn vì những sản phẩm có finish đẹp thì màng lọc chống nắng sẽ không quá tốt và ngược lại. Vì hầu như rất rất ít kem chống nắng làm được cả 2 điều này và nếu có thì giá sẽ hơi cao.

Trong trường hợp bạn đang dùng những treatment nặng thì cần chú trọng chỉ số chống nắng hơn lớp finish. Lúc này cần chọn những kem chống nắng có có SPF 50 trở lên với PA++++.

Chọn kem chống nắng theo loại da

Bên cạnh quy trình chăm sóc, thì tùy theo đặc điểm của từng loại da mà người dùng sẽ có lựa chọn khác nhau như:

  • Da dầu: Da dầu dễ bị bóng và nổi mụn nên ưu tiên những kem chống nắng có kết cấu mỏng nhẹ (dạng sữa, gel). Bảng thành phần không chứa dầu (no-oil, no-sebum) sẽ giúp cho da da thông thoáng hơn.
  • Da khô: Da khô dễ bị mất nước khi tiếp xúc với nắng nên các kem chống nắng có bổ sung thành phần dưỡng ẩm sẽ là chân ái.
  • Da nhạy cảm: Vốn đỏng đảnh và dễ kích ứng, nên nếu bạn có da nhạy cảm thì nên ưu tiên kem chống nắng vật lý. Đồng thời chọn sản phẩm không cồn không hương liệu, có kết cấu mỏng nhẹ.
  • Da thường: Hầu như tất cả các loại kem chống nắng đều phù hợp với da dầu nên bạn chỉ cần chọn sản phẩm có chỉ số SPF từ 30 và PA+++ trở lên.

Cách dùng kem chống nắng hiệu quả

Kem chống nắng chỉ phát huy công dụng khi được sử dụng đúng cách và đủ lượng. Thông thường 0,2mg kem chống nắng sẽ bao phủ được 1cm2 da mặt. Theo nghiên cứu thì gương mặt của người Việt Nam cần từ 0,4 đến 0,6mg cho 1 lần bôi. Để ước lượng đơn giản hơn bạn có thể dùng đơn vị đầu ngón tay ftu (finger tip unit). Với đơn vị ftu thì bạn cần lấy lượng kem bằng 1 đốt đến 2 đốt ngón tay tùy độ lớn của mặt.

Bên cạnh đó, tần suất sử dụng cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của kem chống nắng. Bạn cần bôi lại kem chống nắng nhiều lần trong ngày để đảm bảo hiệu quả. Nếu như bạn làm việc trong nhà, nơi đóng kín cửa, kéo rèm không có ánh nắng xuyên vào thì cần bôi 2 lần. Nếu bạn hoạt động ngoài trời, ra mồ hôi nhiều thì cần bôi lại 3 lần hoặc nhiều hơn.

Trước khi bôi lại kem chống nắng, người dùng cần dùng bông và nước tẩy trang vệ sinh bớt bụi bẩn, dầu thừa trên mặt. Sau đó cấp ẩm nông và thoa lượng kem tương đương lần bôi đầu tiên. Nếu làm việc trong nhà, không có mồ hôi và da ít bụi bẩn có thể bỏ qua bước tẩy trang. Lúc này bạn cần bôi chồng lên lớp kem chống nắng cũ lượng kem bằng 1 nửa lần bôi đầu.

Bài viết trên đây đã chia sẻ những thông tin mà bạn nhất định phải biết khi sử dụng kem chống nắng. Hi vọng những nội dung này sẽ giúp bạn hiểu rõ và tìm được sản phẩm phù hợp nhé!